Rất nhiều người thắc mắc rằng, sự phát triển của răng không giống nhau ở tất cả mọi người. Về mặt thẩm mỹ, có người răng đều đặn, xương hàm phát triển cân đối, răng chắc khỏe, màu trắng sáng tự nhiên, nhưng lại có những người phải chịu đựng răng khấp khểnh, răng không đều, răng mọc thưa hay quá nhiều dẫn đến chen chúc nhau, răng bị mọc lệch. Răng mọc lệch là tình trạng rất nhiều người gặp phải và cần xử lý tại các phòng nha, vậy vì sao răng của bạn bị mọc lệch?
Vì sao răng bạn mọc lệch
Yếu tố di truyền, bẩm sinh
Theo nhiều nghiên cứu, yếu tố di truyền, bẩm sinh quyết định đến 70% tình trạng răng mọc lệch.
- Xương hàm phát triển không đều, xương hàm nhỏ mà răng lại có kích thước lớn và số lượng nhiều, xương hàm không đủ chỗ răng mọc, dẫn đến tình trạng răng mọc chen chúc nhau.
- Xương hàm trên phát triển không đều, không cân đối, xương hàm trên hoặc dưới bị đưa ra trước, khi ngậm miệng sẽ có tình trạng răng cửa xương hàm trên hoặc dưới phủ ngoài răng của xương hàm dối diện, khi cắn khít thì các khớp không trùng nhau ở vị trí trung tâm, môi trên hoặc môi dưới không bao phủ răng, dẫn đến tình trạng răng hô, vẩu.
- Xương hàm dưới dài quá mức, khớp cắn ngược tạo thành hàm móm, lưỡi cày.
- Răng mọc không đúng lịch phát triển tự nhiên, các răng vĩnh viễn mọc lên quá sớm, chiếm chỗ của răng sau, răng mọc trễ, không đủ chỗ trên cung hàm để mọc lên… gây ra hiện tượng mọc lệch.
Yếu tố thói quen
Có thể bạn không biết rằng, những thói quen tưởng chừng như vô hại, nhưng lâu ngày có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng răng mọc lệch, ảnh hưởng xấu đến mặt thẩm mỹ và chức năng ăn nhai, gây khó khăn trong việc phục hình cho răng.
Điều này càng diễn ra thường xuyên hơn ở trẻ, có nhiều thói quen xấu, diễn ra tự nhiên ở hầu hết con trẻ nhưng bạn thiếu chú ý đúng mức, lâu dần dẫn đến nhiều bệnh lý về răng rất khó khắc phục.
Mút ngón tay
Là thói quen phổ biến nhất, có thể gặp ở hầu hết trẻ, từ 3 tháng tuổi trở đi, trẻ đã dễ có thói quen này. Lúc đầu, bạn có thể thấy hành động dễ thương, là biểu hiện thường tình ở trẻ nhỏ, nhưng để lâu rất nguy hiểm vì khi các ngón tay đặt lên răng cửa của răng, tạo ra lực nén đẩy răng cửa trên mọc chìa ra trước, răng cửa dưới nghiêng vào trong, tạo áp lực âm trong khoang miệng, môi, ngoài ra còn làm hẹp cung hàm. Về lâu về dài, gây ra các hiện tượng như hô, vẩu….
Đẩy lưỡi
Là hành động không tốt một chút nào cho trẻ. Tuy chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường khi trẻ nuốt, nhưng đẩy lưỡi nhiều lần, thời gian lâu, thành thói quen có thể làm sai vị trí của răng, gây ra hiện tượng không khít vùng răng cửa khi cắn. Vậy ngay từ nhỏ, các bà mẹ hãy chú ý loại bỏ thói quen này ở trẻ.
Mút môi
Thường xảy ra khi trẻ đang bị đói. Mút môi gây ra hiện tượng răng cửa hàm trên bị nhô ra phía trước còn răng ở hàm dưới thì lại bị quặp vào trong. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các khớp cắn, khiến cho việc thực hiện chức năng ăn nhai của hàm răng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nghiến răng
Dễ bắt gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, xuất phát từ nguyên nhân hệ thần kinh dễ bị kích thích hoặc trẻ đang bị giun kim cũng như những loại giun khác trong bụng, gây mài mòn răng, khiến răng bị lệch lạc. Tuy ít gặp hơn, không phải phần đông đều mắc phải nhưng nếu có, nên tìm cách hạn chế và ngăn chặn.
Không chỉ có yếu tố di truyền bẩm sinh, yếu tố thói quen, chế độ dinh dưỡng nếu không hợp lý, thiếu bổ sung các chất dinh dưỡng chính như Protid, glucid, lipid, canxi… là những chất khoáng không thể thiếu cho sự phát triển cấu trúc xương cũng có thể gây ra hiện tượng không khít khớp cắn. Chính vì vậy, bạn nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng, thói quen cũng như chăm sóc răng miệng để phòng tránh các bệnh về răng miệng, tránh lệch lạc về răng. Và chăm sóc răng miệng từ lúc còn nhỏ, cho con trẻ của bạn rất cần thiết để có sự phát triển vững chắc và toàn diện sau này.